Các chất thải này được thải trực tiếp ra ngoài môi trường nếu không qua xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn đất, nguồn nước, không khí. Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, người dân chưa chú trọng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.
Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh...
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh và giá sản phẩm chăn nuôi biến động, nhưng theo Cục Chăn nuôi, giá trị sản xuất chăn nuôi ước tính tăng 5,93%. Tổng đàn lợn đạt khoảng 26,22 triệu con (chưa bao gồm lợn con theo mẹ), tăng 11,4%; đàn gia cầm khoảng 551,6 triệu con, tăng 4,8%; đàn bò khoảng 6,65 triệu con, tăng 3,1% (riêng đàn bò sữa 335 nghìn con).
Đi đôi với các lợi ích về kinh tế, việc số lượng đàn gia súc, gia cầm ngày một tăng lên cũng kéo theo những tác động không nhỏ đến môi trường do khối lượng chất thải chăn nuôi tăng lên.
Hiện nay, để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, có nhiều công nghệ hiện đại. Tùy theo đặc điểm của từng vùng, từng mô hình mà người chăn nuôi sử dụng các biện pháp khác nhau. Trong đó, hai biện pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm là sử dụng công nghệ khí sinh học, xây dựng hầm biogas và chế phẩm sinh học EM.
Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là biện pháp mang lại hiệu quả lớn. Việc xử lý bằng các chế phẩm sinh học EM đã và đang được thực hiện tốt trong chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, các địa phương đang khuyến khích người dân đầu tư chuyển đổi quy mô nhỏ lẻ sang trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi an toàn dịch bệnh... với những con nuôi có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân xây dựng hầm biogas, hệ thống thoát nước, xử lý bằng ủ phân hữu cơ, chế phẩm sinh học...
Đối với các hộ chăn nuôi lợn, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, người dân đầu tư xây dựng chuồng trại thoáng mát, sử dụng các loại máy sát trùng, bơm phun, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hầm biogas... Đồng thời, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi lợn thảo dược...
Bên cạnh các giải pháp phổ biến trên, hiện nay người chăn nuôi còn sử dụng thức ăn hữu cơ phối trộn với men sinh học giảm thiểu quá trình hình thành các chất thải gây mùi như H2S, NH3; hạn chế điều kiện phát triển của các vi khuẩn gây mùi, góp phần cải thiện môi trường chăn nuôi.
Ngoài ra, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, dọn dẹp chuồng trại và khu vực chăn nuôi, thu gom rác về nơi quy định để xử lý và phun khử trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt nguồn mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải trong chăn nuôi ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết các trang trại có quy mô nhỏ, lẻ, người dân còn thờ ơ, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Những biện pháp được đưa ra nhằm đẩy lùi ô nhiễm như: Xây dựng hầm khí biogas, bể lắng, sử dụng đệm lót sinh học... vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi các trang trại không tuân thủ quy trình sản xuất, vận hành hệ thống xử lý chất thải. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Vận động các hộ chăn nuôi trong khu dân cư chuyển chuồng nuôi ra khu vực đã quy hoạch, bố trí quỹ đất tập trung, ở vị trí xa khu dân cư sinh sống để phát triển trang trại, gia trại, đầu tư đồng bộ các công trình xử lý nước thải và các loại chất thải khác, góp phần bảo vệ môi trường.
Đồng thời, khuyến khích đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Kiên quyết không cấp phép, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, trang trại không bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường.
Để bảo đảm phát triển đúng quy hoạch, trước hết các địa phương cần rà soát lại thực trạng chăn nuôi hiện có, khắc phục ngay những thiếu sót, nhất là công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm, để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục…
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực như ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải rắn, nước thải để bảo vệ môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, lãnh đạo và người dân nông thôn về bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn; áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết xung đột về xử lý môi trường…
Để cải thiện chất lượng môi trường trong chăn nuôi, việc xử lý hiệu quả chất thải là vô cùng quan trọng. Chất thải là nguyên do gây ra ô nhiễm, mùi, mầm bệnh bà con có thể xử lý chất thải bằng các giải pháp, như: Xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua đó, tận dụng nguồn khí sinh học thay thế chất đốt, hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại.
Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi các khu vực chăn nuôi phải có quy mô, diện tích trang trại phù hợp, để quyết định lựa chọn công nghệ hầm xây hoặc hầm nhựa hoặc hồ phủ bạt HDPE cho phù hợp. Giải pháp này chưa thực sự phù hợp với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ.
Xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học đang được nhiều địa phương triển khai để xử lý ô nhiễm môi trường. Phương pháp này sử dụng men vi sinh để trộn vào thức ăn, nước uống làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, giảm mùi hôi thối trong phân và nước tiểu. Hoặc sử dụng các loại men vi sinh để phun, rắc vào nền chuồng hoặc nước thải để giảm ô nhiễm môi trường.
|
Hiện nay biện pháp hữu hiệu và bền vững để xử lý chất thải chăn nuôi tiến tới nền nông nghiệp sạch là phát triển mô hình kinh tế VAC |
Trong thời gian gần đây, ủ phân hữu cơ (compost) là giải pháp được nhiều trung tâm khuyến nông hướng dẫn và khuyến khích người nông dân triển khai thực hiện. Nguyên liệu để ủ phân gồm phế phụ phẩm trồng trọt, phân động vật để làm phân bón cho cho cây trồng. Phân sau khi ủ háo khí trở lên tơi xốp và không có mùi hôi thối; các loại vi sinh vật có gây bệnh bị tiêu diệt bởi nhiệt độ đồng ủ.
Công nghệ ép tách phân còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng đại trà tại nhiều địa phương. Đây là công nghệ xử lý phân hiện đại dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý, còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc cho xuống bể khí sinh học để xử lý tiếp. Độ ẩm của phân khô có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng.
Hiện nay biện pháp hữu hiệu và bền vững để xử lý chất thải chăn nuôi tiến tới nền nông nghiệp sạch là phát triển mô hình kinh tế VAC. Gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt với chăn nuôi, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa sử dụng ít phân bón hóa học. Đồng thời, đây cũng là một trong những mô hình dễ làm, ở đâu cũng có thể xây dựng được, ít tốn kém nhưng hiệu quả kinh tế lại cao.